Thành phố đáng sống cho cư dân có liên quan gì đến những trải nghiệm của dịch vụ số do đô thị thông minh mang lại? Đâu là chiến lược, thách thức, cách tiếp cận mang lại giá trị cho người dân và tăng cao uy tín, vai trò của chính quyền?
Mục tiêu mang lại trải nghiệm tiện nghi cho cư dân
Có nhiều mục tiêu cần xây dựng nên để tạo nên đô thị đáng sống. Trong đó, được xét đến đầu tiên là bảo đảm mang lại nhiều thuận lợi cho cuộc sống của cư dân: từ cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập, điều kiện mua sắm, an ninh, đi lại, cho đến các dịch vụ y tế, học hành, giải trí,… Sự tiện nghi đó cũng đóng vai trò là thước đo trải nghiệm của các dịch vụ công do đô thị mang lại, thông qua phối hợp và phát huy nguồn vốn con người, nguồn vốn xã hội cùng với sức mạnh công nghệ hướng đến cuộc sống tốt đẹp và bền vững.
Tuy nhiên, việc quy hoạch, thiết kế, triển khai, số hóa những dịch vụ công trong khối chính quyền vẫn còn rất hạn chế. Ngay cả tại Mỹ, theo báo cáo của Accenture, 85% công dân Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ mong đợi chất lượng tương tự hoặc cao hơn từ các dịch vụ số của chính phủ như các tổ chức thương mại và hơn 40% không hài lòng với các dịch vụ số của chính phủ.
Trong một cuộc khảo sát khác của Deloitte với 1.200 quan chức chính quyền từ hơn 70 quốc gia, 82% nói rằng nâng cao trải nghiệm cư dân và tăng tính minh bạch là những mục tiêu quan trọng trong chiến lược số của chính quyền. Như vậy từ người dân đến chính quyền đều có nhận định nâng cao trải nghiệm cư dân khi sử dụng các dịch vụ số từ chính quyền là mức ưu tiên cao nhất.
Các chiến lược xây dựng trải nghiệm
Đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm có thể giúp tạo ra các đô thị không chỉ được gắn nhãn “thông minh” mà thực sự đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, đồng thời đảm bảo sự tiện nghi cho mỗi người sử dụng dịch vụ số. Onlai.vn đã tìm hiểu về những chiến lược chính được đúc rút từ kinh nghiệm triển khai của nhiều thành phố trên thế giới. Những kinh nghiệm này sẽ giúp các cấp có thể cân nhắc trong hành trình kiến tạo những dịch vụ số nhằm đáp ứng tốt hơn cho mỗi người dân.
Nhận biết sự khác nhau giữa dịch vụ và trải nghiệm
Rất dễ nhầm lẫn giữa dịch vụ và trải nghiệm là gì mà chính quyền dự định cung cấp cho người dân. Dịch vụ số cung cấp cho cư dân là những gì mà công chức, hệ thống công nghệ thông tin sẽ làm cho người dân, còn trải nghiệm số là cảm nhận của người dân khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào, đó là cảm nhận xuyên suốt từ trước khi sử dụng dịch vụ tới lúc sử dụng và sau khi sử dụng dịch vụ.
Ví dụ một công ty bán sách online: Có thể xem hành động đơn giản của việc mua một cuốn sách từ khách hàng. Dịch vụ khách hàng sẽ được giới hạn trong giao dịch thực tế với những câu hỏi như “Sách còn hàng không?”, “Nhân viên bán hàng có thân thiện không?”, “Có hàng ở quầy không?”. Mặt khác, trải nghiệm của khách hàng bắt đầu từ thời điểm khách hàng xem xét mua một cuốn sách, cho đến khi họ đọc xong cuốn sách đó và quyết định xem cuốn sách đó có đáng giới thiệu cho người khác hay không.
Đối với chính quyền dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đem đến trải nghiệm tiện ích cho người dân khi người dân chỉ biết một dịch vụ duy nhất và cơ quan nhà nước ẩn đi rất nhiều dịch vụ nội bộ.
Tạo trải nghiệm liền mạch từ lúc bắt đầu đến kết thúc (end-to-end citizens experience) cho cư dân trong đô thị đáng sống
Ví dụ như thành phố Buenos Aires thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng của người dân với việc cung cấp trải nghiệm thực tế. Với gần 15 triệu dân, đô thị Buenos Aires đông dân nhất cả nước. Trước đây, Buenos Aires vẫn cố gắng xây dựng một hệ thống phản hồi và xử lý vấn đề khi người dân phản ánh nhằm giải quyết nhiều vấn đề, từ đèn đường hỏng đến vẽ bậy và sửa ổ gà, tuy nhiên hệ thống quản lý khiếu nại nội bộ của thành phố phần lớn không hiệu quả và chậm chạp.
Công dân có thể ghi lại các khiếu nại hoặc yêu cầu dịch vụ thông qua trung tâm cuộc gọi, nhưng thành phố thường mất gần 600 ngày để giải quyết vấn đề. Điều này tạo ra trải nghiệm dịch vụ tồi tệ cho cư dân khi muốn khiếu nại để nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã áp dụng các công nghệ số và tung ra một ứng dụng di động mà người dân có thể sử dụng để đăng ký khiếu nại trực tiếp hoặc thông qua phương tiện truyền thông xã hội.
Ví dụ, khi một cư dân thấy một vấn đề như nắp cống bị mất hoặc vỉa hè bị hỏng, họ có thể đăng một bức ảnh gửi tới thành phố cùng với một đoạn mô tả ngắn. Ứng dụng, sử dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý tích hợp (GIS), gửi vị trí khiếu nại đến cơ quan công quyền hoặc nhà cung cấp gần nhất để giải quyết vấn đề.
Để đóng vòng lặp khiếu nại, một thanh tra của thành phố sử dụng thiết bị di động sẽ xác nhận công việc đã hoàn tất và tải lên một bức ảnh thông qua ứng dụng cho thấy sự cố đã được giải quyết. Đây là dịch vụ liền mạch xuyên suốt đầu – cuối đáp ứng trọn vẹn nhu cầu người dân.
Tạo ra một môi trường số đồng nhất
Tạo ra nền tảng hoặc ứng dụng đồng nhất khai thác nhiều nguồn dữ liệu, dễ dàng sử dụng cho người dân. Các tỉnh thành phố có thể bắt đầu xây dựng nền tảng sẽ kết nối dữ liệu liên quan đến cơ sở hạ tầng vật lý (đường xá, hệ thống tín hiệu giao thông), các phương thức vận tải khác nhau (chẳng hạn như phương tiện công cộng) và các nhà cung cấp dịch vụ vận tải thành một nền tảng tích hợp.
Nền tảng số tích hợp này tạo thành một phần rất quan trọng trong tầm nhìn thông minh của thành phố cho tương lai của ngành giao thông. Những dữ liệu này sẽ cung cấp nhiều giá trị cho người dân khi tham gia giao thông giúp cho việc đi lại được dễ dàng, thuận tiện.
Reference sources:
(1) Accenture
(2) Deloitte
(3) City Innovators Forum