Sự phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ Blockchain trong thời gian qua đã và đang từng bước thay đổi bộ mặt của nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong đời sống. Không nằm ngoài xu thế đó, bất động sản cũng đang thay đổi từng ngày với những gì mà công nghệ Blockchain mang lại. Đây hoàn toàn có thể là “chiếc lò xo” đủ mạnh giúp thị trường bất động sản Việt Nam bứt tốc trong kỉ nguyên công nghệ số.  

Blockchain và Bất động sản 

So với khoảng 10 năm trở về trước, khái niệm Blockchain giờ đây đã không còn quá mới lạ với đại đa số mọi người. Nhưng liệu bao nhiêu người trong số chúng ta có thể tự tin diễn giải một cách rõ ràng nhất “Blockchain là gì?”. Có lẽ là không quá nhiều đâu. 

Nếu cắt nghĩa của từng từ thì “Block” là “khối” còn chain là “chuỗi”. Hiểu một cách đầy đủ thì Blockchain là một loại cơ sở dữ liệu, mà ở đó, thông tin được lưu trữ trong các khối và chúng được liên kết với nhau. Mỗi khi có những giao dịch mới xảy ra, thông tin mới sẽ lại được lưu thành các khối mới, kết nối với các khối cũ để tạo thành chuỗi mới. Thông tin cũ không bị mất đi và vẫn sẽ nằm ở đó, tạo nên một chuỗi thông tin đầy đủ hơn. 

Hiểu một cách đơn giản, Blockchain được coi như một cuốn sổ kế toán trong lĩnh vực kỹ thuật số, được quản lý bởi mạng lưới phi tập trung. Cũng bởi thế mà Blockchain có những ưu điểm vượt trội so với những nền tảng trước đó như: Tính bất biến (không thể sửa chữa), không bị làm giả, kỹ thuật số hóa hợp đồng, tính bảo mật cao qua đó tạo nên sự minh bạch tuyệt đối cho giao dịch.  

Có lẽ không khó để nhận ra những ưu điểm mà công nghệ Blockchain đang sở hữu có thể dễ dàng giải quyết những “bài toán khó” trong lĩnh vực bất động sản truyền thống từ lâu nay:   

  • Không dành cho tất cả mọi người: Hàng tá những rào cản đến từ tài chính, ngân hàng, kiểm định chất lượng… khiến cho bất động sản lâu nay vẫn luôn được coi là cuộc chơi không dành cho tất cả mọi người.  
  • Tính minh bạch: Sự minh bạch trong hoạt động bất động sản truyền thống vẫn luôn bị đặt dấu hỏi lớn khi những vụ tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền vẫn diễn ra hàng năm. 
  • Chi phí cao: Vô vàn những phi phí phát sinh trong quá trình giao dịch bất động sản như: phí trao đổi, phí chuyển nhượng, phí môi giới, phí luật sư… 
  • Tốc độ giao dịch: Rất nhiều thủ tục, giấy tờ khiến cho giao dịch bất động sản thường diễn ra cực kì chậm. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thanh khoản, khả năng tiếp cận của những người đang có nhu cầu.  

Những “bài toán khó” dễ dàng được giải quyết, vậy sẽ không khó hiểu khi những ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều. Sẽ không quá khi nói rằng công nghệ Blockchain đang mang đến cuộc cách mạng thật sự cho lĩnh vực bất động sản.  

5 ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực bất động sản 

Tháng 10/2017, thành phố South Burlington đến từ bang Vermont, Mỹ được cho là thành phố tiên phong trên thế giới trong việc áp dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực bất động sản.  

Năm 2020, một tòa cao ốc hạng sang ở New York (Mỹ) được chào bán với giá 30 triệu đô thông qua Blockchain. Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực bất động sản cũng đã được phát triển từ đầu năm 2020, nhưng mãi đến giữa năm 2021 mới thật sự là “sân chơi” cho tất cả mọi người. 

Đó chính là một vài ví dụ điển hình cho việc mà công nghệ Blockchain đang từng bước thay đổi “cuộc chơi” trong lĩnh vực bất động sản. 

1. Nền tảng và thị trường

Thị trường bất động sản là câu chuyện kết nối giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, điều này gặp khá nhiều khó khăn trong hình thức truyền thống. Việc ứng dụng Blockchain giúp cho việc này trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Một tài sản thực có thể được mã hóa và giao dịch trên các sàn trực tuyến giống như cổ phiếu. Qua đó, tạo nên sự chủ động trong giao dịch. Bản chất, việc có thêm nền tảng mới vốn cũng đã giúp tăng thêm sự đa dạng của thị trường.  

Từ việc tham gia các chuyến tham quan ảo và ký hợp đồng thuê bằng các hợp đồng thông minh đến việc gửi các khoản thanh toán tiền thuê hoặc thực hiện các yêu cầu bảo trì, những người cho thuê sẽ tận hưởng trải nghiệm cho thuê tốt hơn với blockchain. Công nghệ chuỗi khối giúp bảo mật các tính năng này, vì vậy tất cả các bên liên quan đều nắm rõ thông tin về danh sách tài sản, danh tính được xác minh và thông tin cá nhân được mã hóa. 

Với Blockchain, việc di chuyển xuyên quốc gia, thậm chí trên toàn thế giới, để mua và đầu tư bất động sản chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Bạn có thể thuê một bất động sản ở New York hay Tokyo và đàm phán các giao dịch từ Việt Nam mà không cần bước chân ra ngoài, vì blockchain đang dần loại bỏ các rào cản địa lý giữa các quốc gia và ngăn chặn vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu. 

2. Giảm thiểu trung gian

Như đã nói ở trên, một trong những nguồn chi phí lớn trong giao dịch bất động sản đến từ việc xuất hiện các nhà môi giới, luật sự, ngân hàng. Bên cạnh đó, việc phải qua quá nhiều khâu trung gian cũng khiến cho thời gian bị kéo dài. Thông qua các nền tảng trực tuyến, công nghệ Blockchain sẽ góp phần giảm tải bớt những thành phần kể trên – từ lâu đã được coi là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái bất động sản.  

3. Tăng khả năng thanh khoản và sở hữu theo phân đoạn

Việc có giá trị lớn cùng với thời gian giao dịch kéo dài khiến cho bất động sản từ lâu đã được coi là một dạng tài sản kém thanh khoản. Tuy nhiên, điều này cơ bản sẽ được giải quyết hoàn toàn với việc áp dụng công nghệ Blockchain. Tài sản được “chia nhỏ”, dễ dàng mua bán. Khi ấy, người bán sẽ không cần phải đợi người mua có đủ khả năng mua toàn bộ tài sản để nhận được một số giá trị từ tài sản của họ. Người đang nắm trong tay bất động sản với công nghệ Blockchain cũng có thể tùy ý bán một phần tài sản của mình trong quá trình sở hữu. 

4. Sự minh bạch

Nhìn lại những lần “vỡ bóng nhà đất” trong quá khứ, có thể thấy, sự thiếu rõ ràng của một bộ phận đã mang đến những hậu quả nghiêm trọng đến như thế nào. Với Blockchain, thông tin (tài liệu kiến ​​trúc, kế hoạch kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thiết bị…) có thể được truy cập công khai từ tất cả mọi người, tạo nên sự minh bạch, qua đó gây dựng niềm tin trong hệ thống. Các vấn đề gian lận cũng được giảm thiểu tối đa thông qua các hợp đồng kỹ thuật số. 

5. Giảm thiểu chi phí

Tính minh mạch liên quan đến mạng lưới phi tập trung khi ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực bất động sản có thể góp phần cắt giảm nhiều chi phí liên quan đến các giao dịch bất động sản. Ngoài khoản tiết kiệm được chi phí hoa hồng cho người trung gian, còn có các chi phí khác như chi phí kiểm tra, chi phí đăng kí, chi phí vay và thuế liên quan đến giao dịch bất động sản. Khi đã là một phần của hệ thống tự động hóa, các khâu trung gian kể trên đều có thể được cắt giảm hoặc loại bỏ. 

Bất động sản toàn cầu trị giá hàng trăm nghìn tỷ USD, nhưng lại do giới nhà giàu và các tập đoàn lớn chi phối. Thông qua công nghệ Blockchain, nhiều người sẽ có thể tiếp cận thị trường nơi các giao dịch có thể được thực hiện minh bạch, an toàn và công bằng hơn. Chắc chắn, với những gì đang có và còn tiếp tục phát triển, Blockchain sẽ thật sự làm nên cuộc cách mạng hóa mọi khía cạnh của ngành bất động sản trong tương lai không xa. 

Nguồn tham khảo:
(1) Investopedia. 2020 How Blockchain technology changing real estate
(2) Entrepreneur. 2022 Blockchain technology is revolutionizing real estate. Are you ready to cash in?
(3) Vnexpress. 2022 Ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực bất động sản
(4) Tapchitaichinh. 2021 Bất động sản “không biên giới” với Blockchain
(5) Savills. 2018 Ứng dụng công nghệ Blockchain vào thị trường bất động sản
(6) Bytesoft. 2022 #Cuộc chơi thay đổi – Ứng dụng Blockchain trong bất động sản
(7) ButterflyMX. Blockchain in Real Estate: How It’s Revolutionizing the Industry
(8) ThitruongBiz. 2022 Bất động sản Blockchain xu hướng thế giới và câu chuyện của Việt Nam
(9) ERPViet. Công nghệ Blockchain và các ứng dụng trong thực tiễn
(10) Bytesoft. 2022 Blockchain là gì